Du lịch tự túc Ấn Độ: Những cung điện rực rỡ ở Jaipur

4.7/5 - (6 votes)

J

aipur là thành phố lớn và nhộn nhịp  nhất của bang  Rajasthan, Ấn Độ. Nó còn biết tới với cái tên là Pink City, thành phố Hồng nổi tiếng của Ấn Độ với hàng loạt những cung điện nguy nga diễm lệ, buôn bán sầm uất, sân bay nhộn nhịp nhất vùng.

Và đặc biệt,  ga tàu trung tâm luôn luôn đông đúc đến quá tải.

Jaipur ấn tượng du khách bởi màu hồng đất.

Từ Jodhpur, Koo đi chuyến tàu đêm cập bến Jaipur vào lúc 4 giờ sáng nhưng dòng người đến và đi lúc tờ mờ sáng này vẫn đông đúc và náo nhiệt như ban ngày. Kéo vali ra khỏi sân ga với hàng chục tài xế tuktuk mời chào níu kéo để chào giá về khách sạn, lời khuyên cho bạn lúc này là đừng bao giờ gật đầu.

Hãy đi ra khỏi sân ga, ra ngoài đường và bắt 1 chiếc tuktuk khác, bạn sẽ có giá rẻ hơn nhiều.

Một góc khu phố cổ ở Jaipur.

Koo nhắc lại một chút về các thành phố trước để bạn nắm được hành trình. Jaisalmer ( Golden City – thành phố Vàng), Jodhpur (Blue city – thành phố Xanh), Udaipur (White city – thành phố Trắng) và Jaipur ( Pink city – thành phố Hồng) đều là các thành phố du lịch nổi tiếng không những của bang Rajasthan mà còn cả của Ấn Độ, hằng năm lượng du khách đổ về đây rất khổng lồ, đóng góp nguồn thu ngân sách quan trọng của thành phố là du lịch.

CÁC BÀI VIẾT VỀ ẤN ĐỘ:

Pink City – Cung điện nguy nga

Jaipur có rất nhiều cung điện đẹp với lối kiến trúc cầu kỳ, tinh xảo.

Jaipur có rất nhiều cung điện đẹp, cái nào cũng nguy nga tráng lệ và đặc sắc nhất trong  những thành phố của bang Rajasthan.  Vì sao Jaipur có tên là thành phố Hồng?

Jaipur chính thức được hình thành vào năm 1727. Và để lấy lòng Hoàng tử Albert trong chuyến công du qua các thành phố của Ấn Độ, bấy giờ đang là thuộc địa của Anh, cũng như tạo mối quan hệ thân thiết với Hoàng gia Anh, các nhà lãnh đạo Ấn bấy giờ mới ra lệnh sơn hồng thành phố cũng như xây dựng cung điện, phòng họp xa hoa để giúp cho Hoàng tử Albert khi đến sẽ thích thú, gây tò mò sau hành trình mệt mỏi đi qua nhiều thành phố.

Mặt khác, màu hồng đất (terracotta pink) cũng là màu có ý nghĩa là sự hiếu khách.

Mái vòm đặc trưng của các cung điện.

Ngày nay, trong khu vực thành cổ của Jaipur, toàn bộ các công trình kiến trúc đều vẫn bắt buộc sơn màu hồng đất này, nó trở thành luật địa phương, điều này cũng giúp cho Jaipur được biết đến đến nhiều hơn bởi sự độc đáo của nó.

Đến Jaipur như thế nào?

  • Tàu lửa: Jaipur cách New Delhi khoảng 280km và du khách thường chọn tam giác du lịch là New Delhi – Agra ( có cung điện Taj Mahal) – Jaipur. Bạn có thể book vé tàu lửa tại website 12go.asia từ Jaisalmer, Jodhpur hay Udaipur, Agra để đến Jaipur rất dễ dàng.
  • Máy bay: Sân bay quốc tế Jaipur (JAI) cách trung tâm thành phố khoảng 13km. Từ Việt nam bạn có thể bay đến Jaipur bằng AirAsia, quá cảnh ở Kuala Lumpur hay ga Don Mueang (Thái)
  • Xe hơi: Nếu từ các thành phố lân cận như Jodhpur, Udaipur, Agra…bạn cũng có thể thuê xe để đến Jaipur rất dễ dàng.

Ở đâu?

Khách sạn Times Flute Boutique Hotel, Jaipur

Tất nhiên, bạn nên kiếm khách sạn ở khu trung tâm mặc dù các điểm tham quan đều nằm ở vùng ven. Không cần thiết phải kiếm phòng gần  sân bay/ ga tàu vì di chuyển bằng tuktuk khá rẻ và thuận tiện.

Vì ở trung tâm, bạn sẽ dễ kiếm các nhà hàng có thịt (heo, gà) vì hầu hết đều là quán không thịt.

Koo book khách sạn Times Flute Boutique Hotel khá đẹp, sạch sẽ và phong cách thiết kế hiện đại.

Ăn gì?

Khá nhức đầu với chuyện ăn uống vì Koo quen ăn có thịt, vì thế, việc tìm kiếm nhà hàng có thịt mà thuận tiện đường để đi các điểm đi tham quan rất khó. Nên hầu như phải ăn các món chay với cari, pizza cùng bánh roti hoặc cơm chiên.

Cũng khó khăn để kiếm được một cái minimart hay siêu thị.

Hawa Mahal

Toàn cảnh mặt tiền cung điện Hawa Mahal – Cung điện Gió (iamkoo)

Từ quán cafe đối diện nhìn ngắm Hawa Mahal rất đẹp (iamkoo)

Đây là điểm đến đầu tiên trong hành trình jaipur của Koo. Sáng sớm đi tuktuk từ khách sạn ra Hawa Mahal trong cái lạnh 10 độ mùa Đông của Ấn, sương mù còn lẩn quẩn, mặt trời đang nhu nhú lên và lòng rất háo hức vì danh tiếng Hawa Mahal hay còn gọi là lâu đài Gió rất đẹp và lđầy kỳ vọng.

Bất kể ngày hay đêm, Hawa Mahal luôn  tấp nập du khách, để có một bức hình thế này bạn phải chờ đợi rất lâu để tới lượt mình  (iamkoo)

Bên trong sân Hawa Mahal (iamkoo)

7 Giờ sáng đến sớm, chọn quán cafe đối diện Hawa Mahal để ngắm hết vẻ mỹ miều của nó từ xa, trong khi chờ đến 9 giờ mới mở cửa để vào bên trong.

Có 2 quán cafe view đẹp nhất để nhìn Hawa Mahal là Wind View Cafe và The Tattoo Cafe. Men leo một tòa nhà nhỏ, cũ kỹ, bạn sẽ leo lên được sân thượng của 2 quán này.

Gọi một tách cafe nóng, một cái bánh pizza với giá khoảng 200 Rupee ăn sáng và ngắm Hawa Mahal sáng rực rỡ trong ban mai, đẹp tuyệt trần.

Ấn Độ bảo quản các di tích rất tốt, và hầu như giữ nguyên trạng ban đầu.

9 giờ sáng, mua vé 200rupee/ người vào bên trong tham quan lâu đài của các bà hoàng hậu ngày xưa. Hawa Mahal được xây vào năm 1799, với 5 tầng lầu, được xây rất nhiều ô cửa sổ nhỏ để lấy gió vào cung điện cho mát vào mùa Hè nóng bức của Jaipur.

Mặt khác, để cho các phụ nữ Hoàng gia ngắm nhìn phố phường,chợ sôi động bên dưới mà không sợ bị thường dân nhìn thấy mặt, đó là điều cấm kỵ.

Các ô cửa được trang trí cầu kỳ. (iamkoo)

City Palace

Vị trí này là một khoản sân giữa các phòng ngủ của các Hoàng hậu. (iamkoo)

City Palace chính là cung điện Hoàng gia của vua trị vì Jaipur trước đây. Nó là một tổ hợp các công trình kiến trúc lớn, bao gồm nhiều phần khác nhau từ cung điện của các Hoàng hậu, sân vườn, phòng họp …và giờ đây được trưng dụng làm nhà hàng hạng sang, các bảo tàng về vải, tranh ảnh, vũ khí…để khách đến tham quan.

Để được chụp hình chung, tất nhiên bạn phải gửi tiền tip cho họ. (iamkoo)

Giá vé vào cổng là 700 Rupee/người là khá mắc. Giá vé này bạn sẽ được phép tham quan một tổ hợp các khu di tích khác, cách đó không xa. Tuy nhiên, theo Koo, những điểm đó không mấy đẹp nên mình đã bỏ qua.

Bên trong City Palace, bạn có thể thuê xe ngựa để đi lòng vòng như các gia đình Hoàng gia ngày xưa. (iamkoo)

Đáng chú khi khi vào tham quan City Palace, bạn sẽ được giới thiệu một khu biệt lập rất đẹp tên Chandra Mahal, và để vào đây, bạn phải mua vé một lần nữa là 3.500 Rupee (1 triệu 2 tiền Việt) để tham quan và một phần nước uống nhẹ. Quá đắt!

Họa tiết trang trí rất đẹp trong các cung điện City Palace.(iamkoo)

Một quầy bán đồ lưu niệm bên trong sân City Palace. (iamkoo)

Trong City Palace có một khu rất đẹp, được gọi là Pritam Niwas Chowk. Khu này có 4 chiếc cổng được vẽ hình họa tiết con công rất cầu kỳ, mỗi cổng một màu. Cổng này gọi là Peacock Gate, vì thế bạn đừng bỏ qua địa điểm này nhé!

Những chiếc cửa họa tiết chim công là nơi được yêu thích nhất tại City Palace (iamkoo)

Amber Fort

Amber Fort nhìn từ xa. (iamkoo)

Amber Fort nằm trên một ngọn đồi cao, nhìn xuống hồ Matao. Pháo đài này gồm nhiều cung điện bên trong rất đẹp để ban thăm thú. Từ trung tâm thành phố đến đây khoảng 15km.

Một quán bán đồ lễ  dọc đường lên Amber Fort.(iamkoo)

Bạn nên dành trọn vẹ một ngày từ sáng sớm đến tối chỉ đi nguyên 1 cụm này gồm Amber Fort, Sheesh Mahal, Palace Mahal, Nahargart Fort, tổ hợp này rất đẹp và gần như nằm cạnh nhau, bạn có thể đi bộ hoặc xe điện rất tiện lợi.

Cỡi voi lên Amber Fort cũng là một trải nghiệm thú vị. (iamkoo)

Một điều thú vị là bạn có thể đi vào Amber Fort bằng voi. Những con voi khổng lồ lặc lè leo dốc đưa du khách vào bên trong tham quan và để lại dọc đường đầy những bãi phân bốc mùi kinh khủng.

Amber Fort sừng sững trên một ngọn đồi. (iamkoo)

Koo đến Amber Fort 2 lần , chỉ để bắt được những khoảnh khắc vắng người hiếm hoi như thế này.

Phía trước Amber Fort có một khoảnh sân nuôi chim bồ câu rất đẹp, bạn đừng quên ghé đây nhé! (iamkoo)

Sheesh Mahal

Khu vườn bên trong Sheesh Mahal. (iamkoo)

Sheesh Mahal nằm bên trong Amber Fort, hãy hỏi những người đi đường, họ sẽ chỉ cho bạn lối rẽ vào cung điện này. Sheesh Mahal hay còn gọi ‘Cung điện Gương’ được xây dựng bởi Hoàng đế Maharaja Narinder Singh (1845-1862). Cung điện được xây dựng trong một khu rừng với sân thượng, vườn, đài phun nước và một hồ nước nhân tạo.

Sheesh Mahal được xây bằng những khối đá khổng lồ.(iamkoo)

Nhà vua đã lôi kéo các họa sĩ vĩ đại từ Kangra và Rajasthan vẽ các bức tường của Sheesh Mahal bằng nhiều hình ảnh liên quan đến văn học, thần thoại và truyền thuyết rất đặc sắc và ấn tượng, đặc biệt là cổng dẫn vào bên trong với họa tiết chạm trỗ cầu  kỳ cực đẹp.

Từ Sheesh Mahal trong Amber Fort, bạn có thể phóng tầm nhìn thấy Nahargarh Fort phía xa với dãy trường thành vắt vẻo qua núi. (iamkoo)

Đây là phòng tắm của Hoàng hậu

Nội bất nhất  tại Sheesh Mahal chinh là chiếc cổng dẫn vào cung điện. (iamkoo)

Các hình điêu khắc trên đá hết sức cầu kỳ, tinh xảo đầy nữ tính.

Lời khuyên dành cho bạn đó là hãy đến đây thật sớm, ngay khi cửa vừa mở, vì hàng ngàn du khách đổ về, không thể nào chụp một bức ảnh mà không dính người.

Nahargarh Fort

Chiều xuống trên Nahargarh Fort. (iamkoo)

Pháo đài Nahargarh, nằm cao trên ngọn đồi Aravali gồ ghề nhìn ra thành phố Jaipur. Pháo đài được xây dựng năm 1734 để giúp bảo vệ thành phố. Nó đã trở nên nổi tiếng vào năm 2006, sau khi nhiều cảnh trong bộ phim Rang De Basanti được quay ở đó.

Từ Nahargarh Fort, bạn nhìn về thành phố trong buổi hoàng hôn cực đẹp. Koo đã phải đi 2 lân đến đây chỉ để ngắm hoàng hôn xuống, hùng vỹ vô cùng.

View nhìn quá mê hoặc trong ánh chiều tà của Nahargarh Fort.  (iamkoo)

Từ Amber Fort, theo lối dốc đá mòn, bạn đi bộ leo lên Nahargarh Fort, khá xa. Nếu không muốn leo dốc, bạn có thể mua vé xe điện khứ hồi 350 Rupee/ người, nhớ giữ lại vé để đi chiều về.

Rất nhiều khỉ ở đây, bạn hết sức cẩn trọng nếu không muốn bị khỉ giật đồ.  (iamkoo)

Albert Hall Museum

Đó là một bảo tàng cổ, trông cũ kỳ và đặc biệt nhiều chim bồ câu vô kể. Chúng sà xuống từng đàn ăn rồi bay lượn quanh tòa nhà như một cung điện bỏ hoang.

Bạn có  thể mua vé vào bên trong, tuy nhiên, chụp ảnh với chim bồ câu bên ngoài có vẻ hợp lý hơn.

Maharaja Ki Chhatri

Khu lăng mộ Hoàng gia này còn được gọi là Gaitor. (iamkoo)

Các Hoàng thân quốc thích sẽ được hỏa thiêu và lưu tên tại đây.

Là một kiến trúc độc đáo kết hợp giữa Ấn Độ Giáo và Hồi Giáo, nằm cách Amber Fort khoảng 7km. Đây là nơi hỏa táng của Hoàng gia Maharajas từng cai trị Rajasthan. Một công trình kiến trúc đẹp bạn nên ghé khi thăm Jaipur.

Gaitor nhìn từ xa. (iamkoo)

Từ Gaitor, có một lối mòn dẫn lên tường thành Nahargarh Fort.

Jal Mahal

Jal Mahal là một cung điện nổi lên giữa hồ Man Sagar ở thành phố Jaipur. Trên đường đi từ trung tâm thành phố đến Amber Fort, bạn sẽ đi ngang hồ nước và thấy cung điện này.

Có thể yêu cầu tuktuk dừng lại 30 phút để chụp ảnh và ngắm nghía từ xa, đặc biệt vào buổi sáng sớm khi mặt trời lên, cung điện Jal Mahal nổi lên đẹp như một bức trang vẽ.

Patrika gate

Patrika gate là một chiếc cổng rực rỡ màu sắc, mang đậm dấu ấn Hindu, nằm phía trước công viên Jawahar Circle Garden.

Công viên hình tròn này gồm tổ hợp vườn, đài phun nước, đi bộ…nhưng độc đáo nhất chính là  cổng Patrika gate.

Không mất phí vào cổng, tuy nhiên để chụp được những tấm hình không những cặp cô dâu chú rể, khách du lịch khác rất đông thì bạn nên tip một ít tiền cho người gác cổng, 100 Rupee chẳng hạn.

Màu sắc rực rỡ đậm chất Hindu của cổng Patrika gate. (iamkoo)

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về du lịch tự túc Ấn Độ, hãy comment bên dưới hoặc qua Facebook của Koo TẠI ĐÂY nhé . Rất sẵn sàng để chia sẻ cùng bạn!

No Comments Yet.

Leave a Reply