Shangri La được mệnh danh là Tiểu Tây Tạng của Trung Quốc, đây chính là lý do Koo muốn đến đầu tiên trong hành trình đi Vân Nam của mình, với đầy sự háo hức mong chờ.
Sau 2 chuyến bay từ Sài Gòn – Côn Minh và Côn Minh – Shangri La mệt mỏi thì cũng đến được vùng đất mệnh danh thiên đường trong tiểu thuyết này.
Bước ra khỏi máy bay, nhìn những ngọn núi phủ tuyết xa xa, Koo không khỏi bật lên “Wow, đẹp quá vậy!”
Sân bay Shangri La với những dãy núi tuyết xa xa – iamkoo.
Sân bay chính của Shangri La là Địch Khánh. với các chuyến bay tới Côn Minh, Thành Đô, Lhasa, Quảng Châu và Thâm Quyến.
Và những ngày sau đó Shangri La để lại một kỷ niệm quá đậm đà: Sốc độ cao, thiếu oxy nên người lờ đờ mệt mỏi và đau đầu cả ngày. Sau 1 ngày mới phát hiện ra vấn đề sốc độ cao này nó ảnh hưởng đến lịch trình của mình và buộc phải mua bình oxy để hít.
Có lẽ sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn trong khi đang ở Sài Gòn 36 độ trời nóng oi bức thì hôm sau đã ở Shangri La cao 3.300m, lạnh 5 độ. Một mẹo cho các bạn là nên uống hoạt huyết dưỡng não trước 1 tuần, hoặc phải kè kè bình oxy bên mình ngay từ khi bước ra khỏi máy bay.
Một số bạn chọn hành trình Sài Gòn – Côn Minh – Lệ Giang – Lugu hồ – Shangri La thì có vẻ dễ chịu hơn do thích nghi dần từ vùng thấp đến cao nhất là Shangri La.
Thiên đường có thật
Shangri-La là một huyện thuộc châu tự trị của dân tộc Tạng ở Địch Khánh (Díqìng) có tên cũ là Trung Điện (Zhōngdiàn), trong tiếng Tạng là Gyalthang.
Đây là một thảo nguyên rộng lớn nằm ở độ cao 3.300 mét so với mực nước biển, phía Nam tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Toàn cảnh Tu viện Shongzalin , biểu tượng của Shangri La
Từ năm 2001, Trung Điện được đổi thành Shangri La để kích cầu du lịch, tạo tò mò cho du khách đến khám phá vùng đất thiên đường như trong tiểu thuyết Lost Horizon của nhà văn người Anh James Hilton ra mắt năm 1933.
Sự trùng hợp thú vị là những gì nhà văn này miêu tả vềmột thung lũng thiên đường nơi hạ giới không có thật đều trùng khớp với Trung Điện.
Shangri La có nghĩa là “mặt trời và mặt trăng trong trái tim”. Người ta thường gọi đây là vùng đất Tiểu Tây Tạng là vậy.
Sắc màu Tiểu Tây Tạng
Một vị Lạt ma ở tu viện Shongzalin
Phố cổ Shangri-La (Dukezong) có tuổi đời hơn 1300 năm, là một trong những nơi tập trung sinh sống của người Tạng từ lâu đời, chính vì thế mà vùng đất này mang đậm nét văn hóa Phật giáo Tây Tạng.
Châu tự trị Địch Khánh nằm tiếp giáp giữa 3 tỉnh là Vân Nam, Tứ Xuyên và Khu tự trị Tây Tạng nên có nền văn hóa rất đa dạng.
Người dân sống ở Shangri La gồm rất nhiều thành phần, nhiều nhất là người Tây Tạng, Hán cùng với một vài tộc thiểu số khác như Naxi, Bai, Yi và Lisu.
Sắp xếp lịch trình
Những điểm tham quan quan trọng mà bạn không thể bỏ qua, đó chính là khu phố cổ Dukezong, tu viện Songzanlin, vườn Quốc gia Potatso ( cách Shangri La khoảng 20km, hiện mới chỉ mở cửa khai thác du lịch 3 điểm: hồ Shudu, Militang và hồ Bita chiếm 3% tổng diện tích), núi Thạch Ca, chùa Đại Phật Tự.
– Chùa Đại Phật Tự nằm trong khuôn viên phố cổ Dukezong, vì thế 2 điểm này nên đi chung trong 1 ngày. Lang thang ngắm phố rồi lên chùa là hợp lý.
– Tu viện Songzanlin chắc chắn chiếm hơn nửa buổi vì khu này rất rộng. Nếu kết hợp đi vườn Quốc gia Potatso thì ngày này thời gian sẽ rất xít sao và cập rập. Do đó, Koo ưu tiên dành thời gian cho tu viện, bỏ qua Potatso .
– Núi tuyết Thạch Ca sẽ chiếm hết 1 ngày, đi về check out khách sạn là hợp lý. Tuy nhiên, vì sốc oxy người khá mệt nên Koo cũng bỏ qua Thạch Ca, dành thời gian lang thang quanh phố cổ, gặp gì chụp đó thấy cũng hay hay.
Mặt khác, Ngọc Long Tuyết Sơn ở Lệ Giang hứa hẹn rất đẹp nên không đi Thạch Ca cũng không tiếc lắm!
Phố cổ Dukezong
Ngôi nhà của người Tạng trong phố cổ
Koo rất thích khu phố này, dù không rộng lớn như phố cổ Lệ Giang nhưng Dukezong có những đặc thù rất riêng, mang đậm chất văn hóa Tạng bản địa. Đi loanh quanh mọi góc phố, rồi ngồi la cà uống ly cà phê ngắm dòng người qua lại, một cảm giác sống chậm rất thích thú.
Quán cà phê Illy nằm trong khu trung tâm phố cổ. từ góc quán này, bạn có thể nhìn bao quát hết cả một khu phố
Mọi thứ ở Dukezong dường như trôi đi rất chậm và tĩnh lặng
Thay vì đi nhiều điểm, Koo chỉ chọn cho mình những điểm thích nhất để có thời gian trải nghiệm trọn vẹn.
Một quán cà phê đẹp khác nằm liền kề quán Illy .
Koo dành rất nhiều thời gian để đi khám phá con phố cổ, thấy được nhiều điều rất thú vị về văn hóa Tạng .
Phố cổ Dukezong vắng vẻ và yên bình trong một buổi chạng vạng.
Một shop thời trang với kiến trúc rất độc đáo trong khu phố cổ .
Một góc phố vắng vẻ và yên tĩnh đến lạ ở Dukezong .
Trong tiểu thuyết của James Hilton, ông nói người dân sống ở thung lung thiên đường này dường như bất tử, tuổi tác không bao giờ thể hiện bên ngoài vì dường như ai cũng trẻ trung, hạnh phúc ngập tràn trong một môi trường thiên nhiên qúa thần thiên như thế này.
Và ngày nay đến Shangri La, bạn sẽ cảm nhận được những gì nhà văn Anh này từng viết, nó như bước ra từ tiểu thuyết vậy!
Đây là khu trung tâm của phố cổ Dukezong .
Phố cổ Dukezong từng bị hỏa hoạn kinh hoàng năm 2014. Hơn 100 ngôi nhà cổ cháy rụi và cả khu phố chìm trong biển lửa.
Sau 5 năm, gần như khu bị cháy đã được phục hồi và để phục vụ nhu cầu du lịch, những ngôi nhà mới đang mọc thêm lên và nới rộng khu phố ra.
Tất cả những ngôi nhà trong khu phố Dukezong đều làm bằng gỗ, kể cả những hệ thống rường cột chính cũng làm bằng những thân cây gỗ rất lớn.
Năm 2014, Dukezong chìm trong biển lửa và rất may mắn giờ đây mọi thứ đã được phục hồi.
Có những khoảnh khắc đẹp đến nao lòng -.
Mùa hoa đào Shangri La
Một triền đồi phủ màu hoa đào.
Thời điểm cuối Hè – đầu Thu (tháng 5 – tháng 9) chính là thời diểm đẹp nhất để ngắm cao nguyên Shangri La với sắc hoa trải dài khắp các cao nguyên. Đặc biệt là hoa đào bung cánh khắp mọi nơi.
Những ngôi nhà thấp thoáng dưới bóng cây phủ đầy sắc hoa, những triền đồi bay bay cánh hoa tím hồng quả thật khiến người ta chùng lòng và dâng trào những cảm xúc đến khó tả.
Shangri La ngập tràn sắc hoa đào khắp nơi.
Đại Phật Tự
Đại Phật Tự chính là điểm nhấn chính trong khu phố cổ Dukezong. Chùa nằm trên một ngọn đồi cao, bao phủ xung quanh là một triền đồi đơm trắng hoa đào tuyệt đẹp.
Đại Phật Tự nằm trên một ngọn đồi cao, ôm trọn khu phố cổ Dukezong.
Để ngắm toàn bộ khu phố cổ, bạn có thể leo lên chùa, phóng tầm nhìn ra rất xa, lúc này mọi thứ thu vào tầm mắt đẹp như một bức tranh thủy mặc.
Ngắm ngọn khu phố cổ Dukezong từ Đại Phật Tự.
Lối vào chính điện Đại Phật Tự .
Hoa đào phủ trên những mái chùa.
Khi đặt chân đến chùa này, bạn nhất định phải quay Pháp chuyển luân kinh, quay theo chiều kim đồng hồ một lần, để cầu nguyện may mắn, hạnh phúc cho bản thân và gia đình.
Khi Koo đến, không những du khách mà còn có rất nhiều người Tạng vừa quay vừa lần tràng hạt.
Vào buổi tối, ánh đèn thắp sáng khiến cho cả ngôi chùa trở nên lung linh, huyền ảo như thánh địa bất khả xâm phạm của người Tạng.
Pháp chuyển luân kinh khổng lồ ở Đại Phật Tự .
Những người phụ nữ Tạng đọc kinh và đi vòng quanh Pháp chuyển luân kinh.
Cờ cầu nguyện Lungta – một trong những nét văn hóa Tạng .
Sự hiện diện của cờ Lungta có thể xua tan các ý nghĩ tiêu cực và kích hoạt năng lượng tích cực.
Lungta trong tiếng Tây Tạng có nghĩa là “ngựa gió”, trên mặt lá cờ được trang trí bởi các hình ảnh, thần thú và những lời cầu nguyện.
Những mái nhà lợp gỗ ở khu phố cổ .
Phía trước chùa là một khuôn viên rộng, khu bảo tàng, nhà vệ sinh công cộng, khu ăn uống hè phố và tuyệt nhiên sạch sẽ.
Tu viện Shongzalin
Theo Koo biết, Shongzalin là tu viện lớn nhất tỉnh Vân Nam, được xây dựng theo nguyên mẫu thu nhỏ của cung điện Potala – Lhasa Tây Tạng.
Theo một số thông tin thì công trình này đã được vị Lạt Ma thứ 5 xây dựng từ năm 1679.
Tu viện Shongzalin rực rỡ trong ánh mặt trời .
Trải qua bao thăng trầm biến cố của thời gian, sự phát triển du lịch, dân cư sống xung quanh đông dần, và nhiều đợt trùng tu nhưng Shongzalin vẫn giữ được gần như nguyên vẹn kiến trúc ban đầu.
Ngày nay, số nhà sư tu hành ở đây không còn nhiều như ngày xưa nhưng vẫn trang nghiêm và đẹp rực rỡ trên một ngọn đồi cao với 2 màu vàng đỏ.
Cổng chính dẫn đường lên tu viện Shongzalin.
Tu viện Shongzalin gồm rất nhiều công trình khác nhau trong một quần thể đồng bộ.
Tu viện Shongzalin chính là biểu tượng rõ ràng nhất của văn hóa Phật Giáo vùng đất Tiểu Tây Tạng Shangri La.
Pháp chuyển luân kinh ở tu viện Shongzalin.
Bạn nên dành 3,4 tiếng để khám phá hết công trình văn hóa độc đáo này.
Một vị Lạt ma ngồi tắm nắng trong cái lạnh buốt 8 độ ở độ cao 3.300m.
Thời điểm đông nhất tu viện có đến hơn 3.000 nhà sư tu hành ở đây. Tuy nhiên, ngày nay con số này đã giảm đi rất nhiều.
Những họa tiết trang trí cầu kỳ, sắc xảo đậm chất văn hóa Tạng.
Shongzalin là tu viện lớn nhất tỉnh Vân Nam, được xây dựng theo nguyên mẫu thu nhỏ của cung điện Potala – Lhasa Tây Tạng.
Không gian Phật giáo thanh tịnh, yên tĩnh và trang nghiêm. Vì thế, bạn hãy nhớ tôn trọng điều này khi tham quan tu viện nhé.
Đây là tu viện lớn nhất ở Vân Nam, nơi tập trung những nét văn hóa tiêu biểu của người Tạng – iamkoo.
Từ cổng chính, bạn mua vé 90 tệ, có xe bus đưa đến chân tu viện, từ đó leo 146 bậc thang để lên khuôn viên chính của Shongzalin.
Khi về, bạn cứ ra bãi đậu xe bus, lên xe nào cũng được, họ sẽ đưa bạn trở ngược lại xuống phòng mua vé lúc ban đầu. Nên dành khoảng 3 tiếng để đi lang thang khắp các ngõ ngách của tu viện và ngắm nghía những hoa văn, chạm chỗ tuyệt đẹp khắp mọi công trình.
Khách sạn Shangri la
Hãy sử dụng các ứng dụng Booking, Agoda để tìm phòng và xem review trước khi quyết định. Bạn nên ở gần hoặc trong khu phố cổ Dukezong.
Khách sạn Koo ở là The blue mountains on the moon (月上蓝山 ), ngay rìa phố cổ nên đi lại rất tiện lợi. Phòng siêu đẹp và hơn những gì mong đợi. Bạn có thể xem bài review về tất cả các khách sạn trong chuyến đi này TẠI ĐÂY nhé!
Ăn gì ở Shangri la
Có 2 quán ăn mà rất khuyến khích các bạn đến thử. Ngon, tất nhiên, và giá cũng rất mềm nữa. Một cái phong cách Trung và một nhà hàng Tây. Điểm chung là 2 nhà hàng này sạch sẽ, thoáng rộng, món phong phú và dễ ăn.
Nhà hàng The Silent Holy Stones khá đông khách, phục vụ chuyên nghiệp, nhiều món ngon. Có thể ăn lẩu bò Yak, lẩu gà ở đây.
Địa chỉ Zuobarui 1, Old Town North gate 2nd division, Shangri La – 15284550908.
Nhà hàng nằm trong khu phố cổ, vì thế nếu khó tìm, bạn hãy nhờ gọi theo số điện thoại để được hướng dẫn đến.
Nếu muốn ăn món Tây, bạn có thể đến nhà hàng Flying Tigers này ( Yunnan Flying Tigers Cafe), cũng nằm trong khu phố cổ, phục vụ từ 11 giờ trưa đến tối muộn. Xem website của nhà hàng này TẠI ĐÂY.
Trà bơ, bò Yak là 2 đặc sản vùng Shangri La – iamkoo.
Kinh nghiệm du lịch Shangri La
1. Bạn nên chọn khách sạn gần quanh khu phố cổ Dukezong để đi bộ loanh quanh cho tiện, nhiều quán cafe đẹp.
2. Chuyển ngữ tất cả các điểm đến, khách sạn ra tiếng Trung để đưa cho tài xế. Và đặt biệt, phải có số điện thoại chứ địa chỉ rất khó kiếm.
3. Mua ngay bình oxy ở các tiệm tạp hóa để thở nếu bạn mới bay từ Sài Gòn qua vì chênh lệch độ cao, sốc oxy.
4. Miếng dán nhiệt cũng cần thiết vì nhiệt độ ngày và đêm chênh lệch khá cao.
5. Tùy chọn những điểm đến mà bạn thích nhất để khám phá, trải nghiệm, đừng ôm đồm đi quá nhiều điểm trong một khoảng thời gian hạn hẹp.
6. Mua vé xe bus trở về Lệ Giang trước 1 ngày cho chắc chắn. Bus từ Shangri La đi Lệ Giang mất 3,5 giờ.
Một ngôi nhà người Tạng điển hình -iamkoo.
Phòng vé bến bus ở Shangri La đi Lệ Giang.
Nếu bạn cần thêm thông tin gì về Shangri La để chuẩn bị cho hành trình của mình, hãy hỏi Koo nhé, rất sẵn lòng!
IAMKOO Editorial Team
Ha Tram
May 3, 2019anh dùng lens gì chụp hình vậy ạ?
cảm ơn q
Koo
May 3, 2019Mình dùng 18-105 nhé 🙂
Tu Linh
May 3, 2019Quá đẹp người anh oi
Koo
May 3, 2019Cám ơn người em hehe – thả tymmmm
SHANE
August 31, 2019thảo nguyên napahai có nên đi ko a?
Koo
September 1, 2019nếu đi trúng vào mùa thảo nguyên nở hoa thì nên ghé qua hehe