P
Post-vacation blues – Hội chứng trầm cảm sau khi trở về nhà từ một chuyến đi (du lịch hoặc đến một nơi nào đó trong một khoảng thời gian). Một bài viết tâm lý rất hay mà IAMKOO muốn giới thiệu với bạn.Có lẽ đây không phải là một thời điểm tốt để viết về hội chứng này – khi mà gần đây chuyện đi du lịch hay đến một vùng đất mới là một chuyện chỉ có thể ngồi…ước.
Thế nhưng, có lẽ điều gì thịnh quá cũng sẽ suy, ở bài post-series depression, khi mà niềm vui từ những bộ phim hay tiểu thuyết kết thúc, ta như mất đi một phần cảm xúc và linh hồn mình theo kết cục của câu chuyện ấy.
Cũng như sau một chuyến đi dài, khi mà ta đã lên kế hoạch từ rất lâu trước đó rằng sẽ làm gì, sẽ thu xếp các công việc như thế nào, rồi lại trải qua cảm giác vui vẻ thoải mái không âu lo suốt cả chuyến đi. Bữa tiệc nào cũng đến lúc tàn.
Để khi ta trở về đứng trước cánh cửa nhà, những bận rộn, những vấn đề của cuộc sống thường ngày lại hiện lên trước mắt – như thách thức cảm giác hào hứng còn xót lại từ chuyến đi với những niềm vui và trải nghiệm mới.
Hội chứng trầm uất sau khi kì nghỉ là gì?
Post-vacation blues, post-holiday blues hay post travel depression (PTD) có rất nhiều dấu hiệu giống với trầm cảm (nhưng nó không phải là một rối loạn tâm lý lâm sàng), có thể kể đến như:
– Cơ thể mệt mỏi
– Cảm giác buồn bã và cô đơn
– Tụt mood
– Khó tập trung
– Mất ngủ
– Cảm giác bản thân vô dụng hoặc tội lỗi
– Cảm thấy mất đi hứng thú làm những việc mà bình thường người đó rất tận hưởng
– Cảm thấy thiếu năng lượng
– Tâm trạng cáu kỉnh
– Lo lắng
Tuy vậy, post-travel depression không giống như trầm cảm lâm sàng vì nó chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn ngủi chứ không ở lại quá lâu. Và có vẻ như, chuyến đi càng dài thì khi trở về lại góc phòng và cuộc sống thân thuộc, cảm xúc trầm uất này càng mãnh liệt.
Theo số liệu từ Liên minh quốc gia về bệnh tâm thần (National Alliance on Mental Illness – NAMI) có đến 64% người tham gia nói rằng, họ bị ảnh hưởng bởi chứng trầm cảm bởi kỳ nghỉ và thường cảm giác này bị kích hoạt bởi những căng thẳng liên quan đến khả năng tài chính, chuyện tình cảm và căng thẳng về thể chất.
Nhưng đối với một vài người khác, thì việc vừa được trải qua một trong những cảm giác tuyệt vời nhất trong năm sau đó lại phải trở về với cuộc sống thường nhật thực sự khiến họ buồn bả, thậm chí là trầm uất.
Cảm giác buồn bã, lạc lỏng sau kỳ nghỉ – TẠI SAO?
1.
Có khá ít nghiên cứu tâm lý được thực hiện trên hội chứng trầm uất sau một chuyến đi, nhưng rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý cho rằng thủ phạm chính gây nên loạt cảm giác này chính là ADRENALINE.
Theo Dr. Eileen Kennedy từ Đại học Princeton, việc hóc môn căng thẳng đột ngột giảm sau một kế hoạch hoặc sự kiện quan trọng (như khi ta dồn nhiều tâm sức để chuẩn bị cho các bữa tiệc cưới, các sự kiện quan trọng hoặc cho một kì nghỉ lễ) có tác động đáng kể đến tâm lý chúng ta.
Hóoc-môn căng thẳng Adrenaline không phải là tác nhân duy nhất. Sự xuất hiện của hiệu ứng tương phản [Contrast effect] – đây được hiểu như một dạng nhận thức mà ở đó ta đánh giá một sự vật, đối tượng nào đó thông qua việc nhìn thấy sự tương đồng và khác biệt, sự so sánh với các đối tượng, sự vật xung quanh ta.
Post-travel depression không giống như trầm cảm lâm sàng vì nó chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn ngủi chứ không ở lại quá lâu.
Sau khi trở về từ một chuyến đi, ta dường như tiếp xúc với những sự vật, sự việc trong quá trình trải nghiệm kì nghỉ. Để khi trở về, não bộ ta sẽ phải khôi phục và điều chỉnh những trải nghiệm khác nhau giữa nơi ta vừa đến và cuộc sống thường ngày.
Và thông thường, vào các kì nghỉ như nghỉ hè, nghỉ tết, ta dường như đối diện với việc phải tạm chia tay những trải nghiệm quen thuộc thường ngày để bước vào những chuyến đi tách biệt khỏi cuộc sống bình thường: về quê, đi du lịch,…
2.
Hơn thế nữa, nhiều người thường bước vào kì nghỉ như một cách để đối phó với những tình huống căng thẳng trong cuộc sống, hoặc né tránh cảm xúc khó chịu từ một mối quan hệ.
Đi du lịch hay “đi trốn” cuộc sống và bỏ lại sau lưng những vấn đề cơ bản mà họ không muốn hoặc không thể giải quyết, dường như trùng khớp với cơ chế phòng vệ tâm lý khi một ai đó muốn bỏ qua hoặc né tránh cảm xúc khó khăn, để bản thân khỏi phản đối mặt với những điều tưởng chừng không thể vượt qua ở thời điểm đó.
Đó có thể là một chuyến du lịch để “làm mới” lại bản thân, để có thời gian riêng suy nghĩ về cảm xúc của mình về mối quan hệ bế tắc, để có thời gian suy nghĩ xem liệu công việc hiện tại có phù hợp với mình…
Việc phải giả vờ vui vẻ hạnh phúc để trải qua một kì nghỉ cũng có thể khiến ta kiệt quệ sau khi trở lại và đối diện với những việc mà ta cố né tránh.
3.
Lịch trình trong kì nghỉ dường như khiến ta phải thay đổi thời gian ngủ và nghỉ ngơi để phù hợp với những ngày trải nghiệm du lịch, và thiếu đi những giấc ngủ ngon hoặc ngủ ít có thể dẫn đến căng thẳng, stress.
4.
Ở những người trở về sau khi ở nước ngoài một khoảng thời gian dài vì công việc, học tập hay các lý do cá nhân khác, họ có lẽ cũng sẽ trải qua một trải nghiệm gọi là “sốc văn hoá ngược”.
Họ sẽ phải làm quen lại với những thói quen phù hợp với văn hoá nơi họ trở về, đôi khi, người ta ra đi chỉ để học về những điều mà họ nghĩ rằng họ hiểu rất rõ. Có những điều mà trước khi rời khỏi quê hương, họ nghĩ rằng nó vốn dĩ bình thường, và cảm giác sốc văn hoá ngược sẽ giúp họ dần tìm lại thói quen cân bằng lại bản thân của họ hiện tại ở nơi mà họ từng nghĩ rằng bản thân hiểu rất rõ.
Đối với những người mới lần đầu bước đến một đất nước mới, có lẽ họ sẽ mất vài ngày hoặc một thời gian rơi vào trạng thái trầm uất và không muốn rời khỏi nhà, thiếu đi động lực để giao tiếp với người khác và dường như gặp khó khăn với việc bắt đầu một ngày khác lạ.
Đây còn được gọi là Relocation Depression – cơn trầm uất khi dời đến một nơi ở mới.
Làm sao để không rơi vào tình trạng này?
1.
Dọn dẹp nhà cửa trước khi đi lên đường Thực sự cảm giác bước về nhà và trước mặt là hàng tá những thứ bừa bộn mà ta bỏ lại trong lúc sắp xếp vali không tuyệt vời tí nào.
Nếu ta có thể sắp xếp chăn gối sạch sẽ, dọn dẹp nhà cửa, khiến phòng tắm và căn nhà gọn gàng,.. thì khi mở cửa bước vào, đón nhận bạn sẽ là cảm xúc “chào mừng trở về nhà” – chứ không phải là “chào mừng trở lại với địa ngụ.c”
2.
Nếu có thể, hãy dành một ngày nghỉ sau chuyến đi trước khi trở lại làm việc hoặc học tập Việc chừa lại 1 thời gian nhất định sẽ khiến bạn có thời gian ra ngoài đi dạo và làm quen lại với nhịp sống thường ngày, có thời gian đi siêu thị; có thể lấy những món quà lưu niệm và quần áo bẩn ra khỏi vali,… để bản thân khỏi phải đối diện với chiếc vali 1 tuần không được dọn dẹp.
3.
Nếu không tránh được cảm giác trống rỗng hoặc buồn bã sau khi trở về nhà, hãy liên lạc với người thân và bạn bè và cùng họ kể về những trải nghiệm bạn vừa trải qua.
Việc chia sẻ và kết nối lại với bạn bè bên cốc cà phê ở góc phố có thể giúp bạn nhanh chóng lấy lại cảm giác thân thuộc của cuộc sống thường ngày.
4.
Chia sẻ những hình ảnh và tâm sự sau chuyến đi vào những trang nhật ký hoặc trên mạng xã hội cũng là một cách mà nhiều người chọn để giải toả cảm xúc.
Đó có lẽ là lí do mà nhiều người viết những dòng trạng thái kể về những câu chuyện, những chuyến đi của mình – một cách để bày tỏ cảm xúc một cách chân thật.
Và hãy nhớ rằng việc trải qua cảm giác buồn bã, mệt mỏi và chán chường sau một kì nghỉ là một cảm giác bình thường và có thể xảy ra với bất kì chuyến đi nào, dù ngắn ngủi hay kéo dài trong một thời gian dài.
Để bản thân không rơi vào trạng thái trầm uất, hãy đặt việc nghỉ ngơi lên hàng đầu và cho bản thân một khoảng không gian – thời gian đủ để điều chỉnh lại cảm xúc sau khi trở về nhà.
Nguồn tham khảo:
National Alliance on Mental Illness – Mental health and the holiday blues – Published November 19, 2014.
Và các bài viết về post-travel blues từ Verywellmind, Webmd, Healthline, psycom. net
Tác giả: Nguyễn Lê Hoài Thương – Psychological Facts – Tâm lý học & Xã hội VN
IAMKOO – Hoang Anh
Leave a Reply