D
Du lịch Sa Đéc không thể bỏ qua những công trình văn hóa mang đậm dấu ấn của cộng đồng người Hoa ở đây. Ngoài ra, bạn cũng nên đến khu đường Nguyễn Huệ để tìm một chút cảm xúc về quá khứ.Series du lịch Sa Đéc gồm 2 phần, mời bạn xem lại phần 1 để nắm thông tin về hành trình của mình nhé!
Ăn gì ngon, ở khách sạn nào tiện, lịch trình ra sao cho phù hợp? Mời bạn xem lại phần 1 |
ĐƯỜNG NGUYỄN HUỆ
Ngoài những chùa chiền, miếu mạo, Sa Đéc còn có 17 ngôi nhà cổ khá nguyên vẹn, có căn trên 100 tuổi. Những ngôi nhà này mang kiến trúc theo phong cách nhà Tây vào những năm 1900, một số công sở theo kiến trúc Pháp, hiện vẫn còn sử dụng.
Một trong những khu có kiến trúc mang đậm dấu ấn Pháp thuộc mà bạn nên ghé qua là khu đường Nguyễn Huệ.
“Sa Đéc từng là một vùng giao thương rất trù phú và sôi động”
Với địa thế nằm bên bờ sông Tiền, trên con đường thủy giao thương đi Phnôm Pênh, là trung tâm của một miệt vườn trù phú, Sa Đéc từ xưa đã là một nơi thị tứ và cảng sông quan trọng.
Nơi đây đã sớm hình thành phố thị, nhà cửa, phố xá đông đúc và được xây dựng công phu mà hiện nay vẫn còn tồn giữ được rất nhiều ngôi nhà cổ. Người Pháp đã sớm xây dựng các công trình công thự ở cồn Tân Quy Đông biến Sa Đéc trở thành một thị xã có quy hoạch kiến trúc kiểu Châu Âu.
Một sáng sớm, thả bộ thong dong trên con phố Nguyễn Huệ, khi mà hàng quán còn chưa mở, thưa thớt vài người qua lại, trong cái nắng trong veo của bình minh…tất cả như kéo bạn chậm lại cả trăm năm về trước trong một không gian đầy hoài niệm như thế này.
Bắt đầu từ chợ thực phẩm Sa Đéc, bạn đi bộ dọc về hướng cầu Sắt Quay với một bên là những ngôi nhà cổ mang đầy dấu ấn thời gian nằm lặng im và một bên là dòng Sa Giang lấp lánh nắng sớm.
Mình cứ thả bộ như vậy, hít trọn cái trong lành của buổi sớm miền Tây đầy thích thú.
Do đô thị hóa, những căn nhà cổ đã ít nhiều được sửa chữa, tuy nhiên còn nhiều căn vẫn giữ nguyên hiện trạng ban đầu.
Khu Nguyễn Huệ về đêm rất sôi động khi biến thành khu chợ đêm mua sắm, ăn uống. Nhưng ban ngày khá tĩnh lặng.
“Sa Đéc còn nổi tiếng là một đô thị di sản đã hơn 300 năm tuổi”
Bạn hãy đến khu Nguyễn Huệ này vào lúc sáng sớm, lúc còn thưa người, mặt trời lên từ hướng sông thì lúc đó mới cảm nhận được vẻ đẹp trọn vẹn của dấu ấn thời gian trên các công trình kiến trúc tại đây.
Trong thành phố Sa Đéc còn có nhiều ngôi đình, chùa cổ, công trình đẹp có giá trị về văn hóa, lịch sử như chùa Hương, chùa Bà Thiên Hậu, đình Vĩnh Phước, Tân Tây Võ Miếu, chùa Bà Cửu Thiên Huyền Nữ, trường nữ Trưng Vương, chợ thực phẩm Sa Đéc, chùa Kim Huê, đình Tân Phú Trung… Bạn có thể dạo vòng quanh thành phố hơn nửa buổi để tham quan các di tích này.
KIẾN AN CUNG
Theo Wikipedia, Kiến An Cung, tục gọi là chùa ông Quách, là một ngôi đền tọa lạc tại trung tâm thành phố Sa Đéc, đối diện với con rạch Cái Sơn. Đền được xây từ năm 1924 đến năm 1927 bởi những người Hoa từ Phúc Kiến.
Chùa mang đậm nét kiến trúc Trung Quốc, với tổng thể là hình chữ Công (工) uy nghi gồm ba gian trong đó rộng nhất là gian giữa là điện thờ.
Chùa Kiến An Cung nằm ngay khu trung tâm, rất dễ đi. Tuy nhiên, bạn lưu ý chùa sẽ đóng cửa vào giờ nghỉ trưa nhé.
CHÙA BÀ THIÊN HẬU
Chùa Bà Sa Đéc hay còn gọi là chùa Bà Thiên Hậu Sa Đéc cũng là một điểm đến văn hóa quan trọng trong hành trình du lịch Sa Đéc của mình.
Chùa Bà Sa Đéc được cộng đồng người Hoa xây dựng từ năm 1867 để làm nơi thờ cúng và dùng trong việc sinh hoạt cộng đồng ở địa phương.
Trước đây, ngôi chùa chỉ nằm trên một khuôn viên hẹp, chủ yếu được cất bằng tre lá, do nhóm người Hoa Phước Kiến đề xuất xây dựng. Đến năm 1886 chùa mới bắt đầu trùng tu và xây dựng thêm, mở mang diện tích, xây gạch, ốp đá, trang trí, nên chùa có qui mô lớn hơn, nhiều màu sắc sặc sỡ.
Hầu hết các nguyên vật liệu để trùng tu ngôi chùa đều được chở từ Trung Quốc sang. Hiện nay, chùa có bốn bang Quảng Đông, Triều Châu, Hẹ, Phước Kiến thay phiên nhau bảo quản và lo khói hương cúng bái.
Một vài thông tin sử liệu khá thú vị dành cho bạn nào quan tâm đến người gốc Hoa ở Sa Đéc mà iamkooo tìm được:
“Theo sử liệu, thì vào đầu niên đại Mãn Thanh (đầu 1760), đã có rất nhiều thương buôn đi tàu sang Việt Nam buôn bán, làm ăn, do đi tàu sóng to gió lớn nên trên tàu đều có thờ Thánh Mẫu để phù hộ.
Lúc bấy giờ, tàu bè đi biển thường trông theo hướng gió, thường đi từ lúc mùa gió Bắc và về lúc mùa gió Nam, do đó họ luôn phải ở lại Việt Nam vài ba tháng mỗi năm.
Nhiều người trong số thương buôn đã đề nghị hùn tiền xây miếu để thờ bà và xây Hội quán để làm nơi dừng chân của họ. Sau này, vì bên Trung Quốc, thời cuộc không ổn định, nhiều thương gia đã không về nước mà ở lại Việt Nam để an cư lạc nghiệp.”
ĐÌNH VĨNH PHƯỚC
Đình Vĩnh Phước là một ngôi đình cổ và là một di tích tại thành phố Sa Đéc được khởi dựng vào nửa đầu thế kỷ XIX. Ban đầu, đình được dựng đơn sơ. Về sau có một gia đình ở gần cúng thêm đất nên năm 1904, đình được khởi công xây dựng lại khang trang và quy mô như ngày nay.
Di tích văn hóa này cũng nằm ngay trung tâm thành phố Sa Đéc, gần với chùa Bà Thiên Hậu nên bạn có thể sắp xếp đi cùng tuyến là hợp lý nhé!
CHÙA LÁ SEN
Từ trung tâm thành phố Sa Đéc, bạn chạy xe máy về huyện Châu Thành khoảng 30 phút theo chỉ đường của người dân, hoặc theo Google map là 45 phút sẽ đến chùa lá sen, hay còn gọi là chùa Phước Kiển.
Đường vào chùa lá sen là chợ “chồm hổm” tự phát buôn bán trái cây, đặc sản địa phương rất đông đúc và khá ồn ào. Gửi xe máy 5K và vào bên trong để xem những lá sen to khổng lồ.
Tương truyền, chùa Phước Kiển là ngôi chùa nhỏ được thành lập trước thời vua Thiệu Trị. Vào năm 1966, chùa bị dội bom làm sập hoàn toàn và để lại nhiều hố bom xung quanh.
Vào mùa nước nổi, đường kính của sen có thể đạt tới 3m, mùa khô khoảng 2,5m. Loại sen này có nguồn gốc từ vùng Amazon, tên khoa học là Victoria regia. Người địa phương gọi là sen vua, súng nia hay nong tằm.
Khuôn viên chính điện khá khiêm tốn, chùa nhỏ và không đặ c sắc lắm. Tuy nhiên du khách đổ về đây rất đông vì tò mò xem tận mắt những lá sen khổng lồ với với tương truyền “có thể đứng lên lá sen”, càng khiến nhiều người thoáng nghe qua thêm hiếu kỳ.
Vị trí lá sen có thể đứng được với sự trợ giúp của “kỹ thuật” là của một người làm dịch vụ nhiếp ảnh. Và bạn phải tốn 20K để chụp ảnh đứng trên chiếc lá duy nhất này.
LÀNG BỘT
Thêm một địa điểm thú vị trong chuyến du lịch Sa Đéc mà Koo khuyến khích nên ghé qua là làng bột trăm tuổi nức tiếng ở Sa Đéc.
Từ nguồn nguyên liệu phong phú là tấm, làng bột gạo Sa Đéc đã hình thành và phát triển hơn 100 năm qua với nguồn nguyên liệu để làm ra phở, hủ tiếu, bún, bánh canh, bánh ngọt và các sản phẩm ăn liền… thậm chí xuất sang cả Châu Âu.
Đường đi đến đây rất dễ. Từ trung tâm Sa Đéc, bạn tìm kiếm từ khóa “Khu ẩm thực làng bột Sa Đéc”. Đến đây, bạn đừng vào khu ẩm thực này mà cứ đi thẳng ra mé sông. Cặp 2 bên mé sông còn rất nhiều hộ làm bột, sản xuất hủ tiếu Sa Đéc trứ danh.
Công đoạn làm bột thường khoảng lúc 4,5 giờ sáng. Sau đó “bẻ bột” sắp lên liếp tre, đem phơi ngoài nắng cả ngày. Phần cặn bột cũng được lấy phơi, để sản xuất thức ăn gia xúc.
Một cơ sở sản xuất hủ tiếu Sa Đéc mà iamkoo có dịp quan sát họ làm, rất thủ công. Những lá bột này cho vào máy cắt, cắ thành sợi, rồi bốc thành từng cuộn nhỏ, cho vào vỏ 1 chiếc vỏ lon nước ngọt. Độc đáo là họ không cần cân, bốc 1 cái là thành 1 cuộn, cả trăm như một.
Đem ra phơi nắng cặp theo 2 bên mé sông, lâu lâu lại ra trở mặt cho những lọn hủ tiếu này khô đều. Cả nhà lớn nhỏ, mỗi người một công đoạn, làm cùng nhau.
Tìm lại hương vị tuổi thơ với đá bào siro trên dọc đường đi kiếm làng bột.
NHỮNG ĐIỂM ĐẾN KHÁC
Ngoài những điểm đến mà iamkoo trải nghiệm trong chuyến du lịch Sa Đéc của mình, tùy vào lịch trình và thời gian, bạn cũng có thể tham khảo thêm một sốđiểm khác như làng hoa Sa Đéc chuyên trồng hoa rất nổi tiếng. Hay đến làng đóng xuồng ghe rất độc đáo ở Rạch Bà Đài.
Làng hoa Sa Đéc chỉ đẹp nhất vào mùa Tết, bình thường người ta trồng cây kiểng nhiều hơn.
Nghề làm thuyền, ghe rất đặc trưng ở miền Tây.
SADEC – TRIP REVIEW
Phần 1: Trọn bộ bí kíp khám phá ngon, rẻ, đẹp gần Sài Gòn (1/2)
Leave a Reply